Th6 23 Chủ Nhật, 23 Tháng Sáu, 2013

Mức hỗ trợ và ngưỡng kháng cự

Ngưỡng hỗ trợ (Support) và ngưỡng kháng cự (Resistance) là những công cụ cơ bản của các nhà đầu tư nhằm định ra các “vùng trọng điểm” mà tại đó thị trường bắt đầu đảo chiều hay hình thành 1 xu hướng. Biểu diễn các đường hỗ trợ và kháng cự trên biểu đồ giúp nhà đầu tư hiểu được tầm quan trọng của nó trong quá khứ cũng như trong tương lai như thế nào. Nếu chúng ta thấy có giao dịch ở tại một trong hai ngưỡng này thì có thể dự đoán một cách tuơng đối giá mà chúng ta chọn mua. Và dĩ nhiên sau đó chúng ta có thể ra quyết định mua bán trên những mức giá mong đợi này.

Ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự là gì:

Robert Edwards và John Magee, hai tác giả cuốn “Technical Analysis of Stock Trend”, đã định nghĩa “ngưỡng hỗ trợ là ngưỡng mà tại đó nhà đầu tư nên mua vào cổ phiếu với một lượng đủ hiệu quả nhằm ngăn chặn xu hướng giảm giá của cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định”. Trong khi đó ngưỡng kháng cự thì ngược lại hoàn toàn, đó là dấu hiệu nhà đầu tư nên bán ra một lượng cổ phiếu vừa đủ để thỏa mãn bên mua nhằm ngăn giá cổ phiếu tiếp tục tăng cao hơn trong một khoảng thời gian.

Theo John J. Murphy, tác giả cuốn “Technical Analysis of the Financial Markets”: Các đáy, hay những vùng lõm, được gọi là ngưỡng hỗ trợ. Như chính cái tên của thuật ngữ này cho thấy, ngưỡng hỗ trợ là mức độ hoặc khu vực trên đồ thị dưới ngưỡng thị trường, nơi xu hướng mua vào cao hơn sức ép bán ra. Kết quả là sự sụt giá tạm ngừng và tăng trở lại. Thường thì một ngưỡng hỗ trợ đã được xác định bởi một vùng lõm trước đó. Trong hình 1, điểm 2 và 4 thể hiện những ngưỡng hỗ trợ của một xu hướng tăng.

Mức hỗ trợ và ngưỡng kháng cự
Hình 1: Những ngưỡng hỗ trợ và kháng cự trong xu hướng tăng.
Điểm 2 và 4 là những ngưỡng hỗ trợ vốn là những mức thấp trước đó. Điểm 1 và 3 là những ngưỡng kháng cự thường được tính từ những đỉnh cao trước đó.
Mức hỗ trợ và ngưỡng kháng cự
Hình 2: Ngưỡng kháng cự và hỗ trợ trong xu hướng giảm.

Ngưỡng kháng cự là hình thức trái ngược với ngưỡng hỗ trợ và thể hiện một mức giá hay một khu vực cao hơn giá thị trường với áp lực bán ra cao hơn mua vào và sự tăng giá cũng đã quay trở lại. Thông thường, ngưỡng kháng cự được xác định bởi một đỉnh xuất hiện trước đó. Trong hình 1, điểm 1 và 3 là những ngưỡng kháng cự. Hình1 là một xu hướng tăng. Trong một xu hướng tăng, ngưỡng hỗ trợ và kháng cự cho thấy một mô hình đi lên. Hình 2 là một xu hướng giảm với những đỉnh và đáy đi xuống. Trong một xu hướng giảm, điểm 1 và 3 là những ngưỡng hỗ trợ dưới mức thị trường và điểm 2 và 4 là những ngưỡng kháng cự vượt quá mức thị trường.

Trong một xu hướng tăng, ngưỡng kháng cự thể hiện sự tạm nghỉ trong xu hướng đó và thường bị vượt qua tại một số điểm. Trong một xu hướng giảm, ngưỡng hỗ trợ không đủ mạnh để ngăn ngừa hiện tượng rớt giá thường trực, nhưng cần phải kiểm tra ít nhất là trong tạm thời.

Việc nắm được những khái niệm về ngưỡng hỗ trợ và kháng cự là điều kiện cần thiết để thấu hiểu xu hướng. Để một xu hướng tăng có thể tiếp tục diễn ra, mỗi mức lõm kế tiếp (ngưỡng hỗ trợ) phải cao hơn mức trước đó. Mỗi ngưỡng cao phục hồi (ngưỡng kháng cự) phải cao hơn mức trước đó. Nếu vùng đáy hiệu chỉnh trong một xu hướng tăng nằm bên dưới ngưỡng hỗ trợ trước đó, có thể đó là một tín hiệu cảnh báo sớm cho biết xu hướng tăng đã kết thúc hoặc ít nhất đã chuyển sang xu hướng đi ngang. Nếu ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ, có thể xu hướng đã đảo chiều từ tăng sang giảm.

Mỗi lần ngưỡng kháng cự trước đó được kiểm nghiệm cũng là lúc mà xu hướng tăng nằm trong giai đoạn đặc biệt quan trọng. Sự thất bại trong việc vượt qua đỉnh trước của xu hướng tăng, hoặc khả năng giá bật lại từ ngưỡng hỗ trợ của xu hướng giảm là tín hiệu đầu tiên cảnh báo rằng xu hướng hiện tại đang thay đổi.

Có thể hiểu đơn giản như sau:

  • Trong quá trình đi lên, có những lúc giá tạm thời dừng lại, nhì nhà nhì nhằng xung quanh một mức nào đó rồi .. quay đầu đi xuống.
  • Trong quá trình đi xuống cũng vậy, có những lúc giá tạm thời dừng lại, bật lên bật xuống lình xình một đoạn rồi .. quay đầu đi lên.
  • Đi lên, chạm một mức nào đó, quay đầu đi xuống thì người ta gọi cái mức đó là “kháng cự”.
  • Đi xuống, chạm một mức nào đó, quay đầu đi lên thì người ta gọi cái mức đó là “hỗ trợ”.
  • Có thể gọi “kháng cự” là “cản trên” và gọi “hỗ trợ” là “cản dưới” cho nó dễ hình dung.
  • Ngưỡng kháng cự và ngưỡng hỗ trợ tồn tại càng lâu thì càng có tính bền vững và khó phá vỡ. Khi đó ta gọi đây là ngưỡng “bền” hoặc ngưỡng “mạnh”.
  • Các đường xu hướng cũng có thể đóng vai trò là đướng kháng cự hoặc hỗ trợ. Mở rộng hơn, kênh xu hướng cũng có thể được hình thành từ đường kháng cự và đường hỗ trợ.

Hãy quan sát đồ thị dưới đây của PVD:

Muc-ho-tro-va-nguong-khang-cu
Hình 3: Đồ thị mã cố phiếu PVD cuối 2009 đầu 2010

Trên đồ thị này, có thể thấy rất rõ sau khi bật từ 80 (đường số 4) lên 95 (đường số 2) vào nửa sau của tháng 8/2009, giá của PVD chững lại một thời gian rồi quay đầu đi xuống 90 (đường số 3. Khi đó, ta có thể gọi 95 là cản trên (ngưỡng kháng cự) của PVD.

Tại 90, PVD bật lên lần 2, gặp cản 95, nhì nhằng 1 vài ngày rồi đi tiếp lên 100 (đường số 1. Không qua nổi 100, PVD quay đầu đi xuống, lưu luyến 95 một tí rồi ngồi bệt xuống 90 vào đầu tháng 10/2009. Nhưng, như bị thúc vào đít, PVD lại đứng lên test 100 lần 2. Đến lúc này, ta có thể gọi 90 là cản dưới (ngưỡng hỗ trợ) của PVD.

Test 100 bất thành, PVD quay về 95, rồi 90. Do 90 đã thành “cản dưới”, PVD bật lên 1 phiên rồi rơi độp một phát qua 90 về tận cản dưới 80. Tại đây, PVD bùng lên rất mạnh để test lại 95 nhưng không thành công, rơi về 80, bật lên 90 rồi lại rơi về 80 trước khi chia tách.

Sự phá vỡ ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự:

Như trình bày ở trên, ngưỡng hỗ trợ và kháng cự là những cản dưới và cản trên của giá. Tuy nhiên, đây là những mức cản do con người, dưới tác động của quy luật tâm lý tạo ra. Không có gì bảo đảm là giá cứ chạm cản dưới là bật lên hay cứ chạm cản trên là quay đầu. Thị trường không đơn giản như thế.

Muc-ho-tro-va-nguong-khang-cu
Hình 4: Đồ thị mã cố phiếu PVD cuối 2009 đầu 2010

Nhìn trên đồ thị này, có thể thấy rất rõ là trong vòng từ tháng 8 đến tháng 12, PVD đang dao động trong một dải hẹp. Nếu lấy lằn đen trung tâm làm mốc thì hai lằn xanh ở trên và dưới có độ lệch chỉ đâu đó khoảng 10%.

Với độ lệch nhỏ như thế, với KLGD ổn định ở mức thấp như thế, người ta nói PVD đang trong thời gian tích lũyTích lũy để làm gì ? Đó là để chuẩn bị phá hoặc là cản dưới (break-down), hoặc là cản trên (break-out).

Lùi lại thêm chút nữa để quan sát đồ thị 2 năm của PVD:

Muc-ho-tro-va-nguong-khang-cu
Hình 5: Đồ thị mã cố phiếu PVD 2008-2010

Trên đồ thị này, ta thấy thêm đường màu đỏ. Đường này giải thích cho ta vì sao PVD lại có một ngưỡng cản trong vùng giá 90. Ngưỡng cản này được tạo ra suốt từ tháng 5/2008 (sau khi chia tách), được test những 5 lần tại các điểm 2-3-4-5-6.

Do thời gian tồn tại quá lâu (16 tháng) nên khi PVD lần đầu tiên vượt qua cản này vào nửa sau tháng 8/2009, có thể thấy nó đã cần một lượng tiền rất lớn đủ để nuốt ngót nghét 7 triệu cổ trong sàn và ngoài sàn.

Với lượng cầu lớn như vậy, ngưỡng kháng cự ở mức giá 90 đã bị phá vỡ.

Qua được một ngưỡng cản mạnh như vậy, thường sẽ có pullback để test lại thị trường.

Tuy nhiên tới mức kháng cự tiếp theo thì 2 lần thất bại cả 2. Sau đó thị trường quay đầu giảm và phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 90 một cách dễ dàng, chỉ cần ngót nghét 700K cổ vào ngày 3/11. Xuất hiện pullback sau đó nhưng không ăn thua, giá lại tiếp tục đi xuống nhưng không vượt qua được ngưỡng hỗ trợ 80.

Đánh giá độ bền của ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự:

Thời gian hình thành càng lâu thì ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự càng bền. Có thể hiểu độ vững của ngưỡng hỗ trợ (cản dưới) và ngưỡng kháng cự (cản trên) tỷ lệ thuận với thời gian hình thành. Mặc dù vậy, trên thị trường mọi việc đều có thể xảy ra và mức cản dù vững đến đâu đều có khả năng bị phá vỡ (với một xác suất nào đó.

Quan sát đồ thị của AGF bên dưới:

Muc-ho-tro-va-nguong-khang-cu
Hình 6: Đồ thị giá mã cố phiếu AGF (2009-2010)

Trên đồ thị này, có thể thấy mức cản 30 của AGF là khá chắc chắn bởi nó được bắt đầu từ tháng 6/2009, test đi test lại nhiều lần trong tháng 9 và đầu tháng 10, sau đó test tiếp 3 lần nữa trong khoảng thời gian từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12, tổng cộng khoảng 7 tháng, có thể nói là khá cứng.

Lùi về trước một chút:

Muc-ho-tro-va-nguong-khang-cu
Hình 7: Đồ thị giá mã cố phiếu AGF (2008-2010)

Giờ thì ta hiểu vì sao cái mốc 30 lại cứng thế. Hóa ra nó đã hình thành từ tháng 7, tháng 9/2008!

Trong ví dụ của AGF, ta thấy yếu tố “thời gian” được thể hiện qua các lần ‘test đi test lại”. Khoảng thời gian hàm chứa các cú “test đi test lại” ấy càng dài, cản càng có xu hướng cứng hơn.

Trong ví dụ tiếp theo, khoảng thời gian tuy ngắn hơn nhưng do giá dao động trong một phạm vi rất hẹp nên cũng tạo ra một vùng cản hẹp có độ cứng khá lớn.

Muc-ho-tro-va-nguong-khang-cu
Hình 8: Đồ thị giá mã cố phiếu BHC (2009-2010)

Vùng 14-16 của BHC cứng đến nỗi cả tháng 11/2009, khi mọi cổ phiếu đều mất giá kha khá, BHC vẫn dao động trong khung này, chỉ chịu đầu hàng sau 3 phiên có khối lượng giao dịch lớn hơn bình thường. Và, như ta thấy, khi bị mất cản cứng 14, nó đã rơi thêm gần 30% mới chịu dừng bán.

Ngưỡng kháng cự cứng như thế mà khi vượt (đầu tháng 10/2009) lại không kèm theo mức tăng đột biến của khối lượng giao dịch. Yếu tố này làm ta nghi ngờ khả năng BHC sẽ tạo được đỉnh mới cao hơn đỉnh tháng 6/2009. Do đó, khi thấy BHC lình xình vài ngày ở ngưỡng 20-21, quyết định duy nhất đúng đắn là bán.

Hai ví dụ trên cho ta thấy 2 cách mà “thời gian” có thể tác động vào độ cứng của cản.

2 lưu ý:

  • Vượt ngưỡng kháng cự mà không kèm theo khối lượng giao dịch tăng đột biến, nên thận trọng.
  • Vỡ ngưỡng hỗ trợ mà KLGD lại tăng, nhất là ở ngày thứ 2 sau khi vỡ ngưỡng hỗ trợ, coi chừng. An toàn nhất là chuồn thật nhanh khi giá vươn lên test lại ngưỡng hỗ trợ vừa bị mất (pull-back. Trong ví dụ trên của BHC, đó là phiên giao dịch thứ 2 của tháng 12/2009.

Sự đổi vai trò giữa ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự:

Nếu bị phá vỡ bởi một mức tăng đáng kể, một ngưỡng hỗ trợ sẽ trở thành ngưỡng kháng cự và ngược lại. Lưu ý rằng khi giá đang tăng trong hình 9 thì phản ứng giá tại điểm 4 sẽ ngừng ở hoặc trên đỉnh tại điểm 1. Đỉnh trước đó tại điểm 1 là một ngưỡng kháng cự. Nhưng một khi nó bị phá vỡ bởi một sóng 3, ngưỡng kháng cự trước đó sẽ biến thành ngưỡng hỗ trợ. Tất cả những giao dịch bán gần đỉnh của sóng 1 (tạo nên ngưỡng kháng cự) hiện đã trở thành vị thế mua khi giá giảm. Trong hình 10, giá đang giảm, điểm 1 (là một ngưỡng hỗ trợ trước đó trong thị trường giá giảm) hiện đã trở thành một ngưỡng kháng cự khi giá tăng tại điểm 4.

Muc-ho-tro-va-nguong-khang-cu
Hình 9: Trong một xu hướng giảm, ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ trở thành ngưỡng kháng cự của đợt phục hồi sau đó. Hãy lưu ý cách thức và ngưỡng hỗ trợ tại điểm 1 trở thành ngưỡng kháng cự tại điểm 4.
Muc-ho-tro-va-nguong-khang-cu
Hình 10: Trong một xu hướng giảm, ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ trở thành ngưỡng kháng cự của đợt phục hồi sau đó. Hãy lưu ý cách thức mà ngưỡng hỗ trợ tại điểm 1 trở thành ngưỡng kháng cự tại điểm 4.

Quan sát đồ thị của AGF. Đồ thị này minh họa rất tốt cho việc một cản (30) thay đổi từ cản trên thành cản dưới như thế nào.

Muc-ho-tro-va-nguong-khang-cu
Hình 11: Đồ thị giá AGF (2009-2010)

Như đã từng đề cập trước đó rằng khoảng cách giá vượt khỏi ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự tương đương với mức độ quan trọng của ngưỡng đó. Điều này hoàn toàn đúng khi ngưỡng hỗ trợ và kháng cự bị phá vỡ và bị thay đổi vai trò. Ví dụ, ngưỡng hỗ trợ và kháng cự chỉ bị thay đổi vai trò khi bị phá vỡ với một giá trị đáng kể. Nhưng bao nhiêu mới là đáng kể? Ở đây có một chút chủ quan trong việc xác định mức độ ý nghía củasự phá vỡ. Như một chuẩn đối sánh, một số người sử dụng đồ thị sử dụng mức phá vỡ 3% làm tiêu chí, đặc biệt là đối với những ngưỡng kháng cự và hỗ trợ chính. Những khu vực kháng cự và hỗ trợ ngắn hạn hơn có thể sẽ đòi hỏi một con số nhỏ hơn, chẳng hạn 1%. Trên thực tế, mỗi nhà phân tích phải tự quyết định thế nào là một mức phá vỡ đáng kể. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng khu vực hỗ trợ và kháng cự chỉ đảo nghịch khi thị trường biến động nhiều đủ để khiến những người tham gia tin rằng họ đang phạm sai lầm. Thị trường biến động càng lớn thì họ càng trở nên dễ bị thuyết phục.

Tại sao có sự chuyển vai trò giữa mức hỗ trợ và kháng cự?

Ta sẽ xem xét các ví dụ:

Giả sử một cổ phiếu đang trong xu thế tăng mạnh và tăng từ mức giá 12 lên đến 24, đồng thời trên thị trường cũng đang có một khối lượng cổ phiếu lớn đang được chào bán. Kết quả của việc này là thị trường có thể phản ứng và hình thành một xu thế điều chỉnh trung gian (tạm thời), làm giá giảm xuống còn 18, hoặc cũng có thể phản ứng của thị trường làm xuất hiện hàng loạt những dao động nhỏ quanh mức, chẳng hạn, từ 24 xuống đến 21 tạo thành một dạng hình mẫu mang tính củng cố xu thế hiện tại. Sau thời gian điều chỉnh hoặc củng cố này sẽ xuất hiện một đợt tăng giá mới và đưa giá lên đến 30, tại đó cung lại đầy và dư, làm ngưng lại đợt tăng giá này. Lúc đó lại có thể xuất hiện một trong hai dạng mô hình điều chỉnh hay củng cố. Nếu xảy ra điều chỉnh, câu hỏi đặt ra là xu thế giảm tạm thời này sẽ xuất hiện ở mức nào? Câu trả lời là mức giá 24, đây là đỉnh đầu tiên của xu thế tăng giá chính (cấp 1) trên thị trường – mức giá này thấp hơn mức giá hiện tại và tại đó lại xuất hiện tổng giá trị giao dịch rất lớn. Khi đó nó đóng vai trò và hoạt động như một mức kháng cự, tạo ra sự ngưng tăng hay đảo chiều của đợt tăng giá đầu tiên. Sau khi bị vượt qua thì vai trò của nó lại là mức hỗ trợ, làm ngưng hay có thể đảo chiều, dù rất ít xu thế giảm giá đang diễn ra trên thị trường.

Một ví dụ tương tự đưa ra với một cổ phiếu đang trong xu thế giá giảm . Giả sử cổ phiếu đang ở một đỉnh lớn của toàn thị trường ở mức giá 70, giá giảm xuống còn 50, ở tại mức 50 xuất hiện một đỉnh điểm diễn ra các giao dịch nhưng chỉ mang tính tạm thời. Thị trường có tổng khối lượng giao dịch lớn, giá tăng lên, có thể lại trượt xuống một chút như một dạng kiểm tra mức giá 50 có thực sự là một điểm dừng quan trọng của thị trường hay không. Sau đó xuất hiện giai đoạn hồi phục đưa giá lên 60. Tại mức 60 sức mua yếu dần, xu thế giá đảo lại và đi xuống, giá sẽ giảm mạnh hơn ở đợt giảm mới này và làm xuất hiện một mức đáy thấp hơn là 42. Đến đây, lặp lại thời kỳ trước, nhu cầu mua lại tăng lên và lại xuất hiện quá trình hồi phục lần hai. Chúng ta có thể tự tin chờ đợt hồi phục từ mức giá 42 này lên sẽ tăng lên đến mức kháng cự (đã được kiểm tra là “mạnh”) đó là mức giá 50. Ở đợt giảm lần đầu mức giá này đóng vai trò mức hỗ trợ, bây giờ nó đóng vai trò mức kháng cự, mức đáy lúc trước trở thành mức đỉnh của thị trường.

Vậy ta đặt ra câu hỏi tại sao có sự chuyển vai trò ở hai ví dụ trên?  

Ta bắt với ví dụ thứ 2 trước  

Giá đầu tiên giảm xuống đến 50 và xuất hiện khối lượng giao dịch tương đối lớn, rồi lại đảo chiều tăng lên 60 nhưng lực tăng yếu dần. Ở mức giá 50, rất nhiều cổ phiếu đã được giao dịch, với mỗi người bán đều có ít nhất một người mua tương ứng. Một số người đã mua nhưng với chủ định nắm giữ trong ngắn hạn và đã bán đi, bây giờ họ không còn quan tâm đến loại cổ phiếu này. Một số khác là những nhà đầu tư ngắn hạn và thậm chí cả một số chuyên gia có thể đã mua ở mức giá 50 bởi đơn giản là họ thấy thị trường đang ở một mức đáy tạm thời và mua với mong muốn kiếm lãi khi giá tăng lên theo dự kiến của họ, hoàn toàn có thể giả sử họ đã thực hiện được mục đích của mình và đã thoát ra khỏi thị trường trước khi giá tụt xuống dưới mức 50. Với đa số những nhà đầu tư còn lại, quyết định mua của họ là do họ thấy mức giá 50 là mức giá thấp đủ thảo mãn họ bởi chỉ vài tháng trước giá cổ phiếu được bán trên mức 70, rõ ràng 50 là một mức giá hời, đồng thời họ cũng cho rằng giá sẽ lại lên và lên nữa trong thời gian dài.

Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của những người vừa mua cổ phiếu đó. Họ nhìn thấy giá tăng hàng ngày, lên 55 rồi lên 58 rồi đến 60, những nhận định của họ lúc trước có vẻ đúng và họ vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Rồi xu thế tăng này yếu đi, giá lại giảm xuống còn 57, 55 rồi 52 rồi lại về 50. Họ có lo lắng một chút những rồi lại vẫn cho rằng 50 là mức rất rẻ, vẫn hời, đặc biệt khi thị trường dừng lại ở mức giá 50 trong một thời gian ngắn.

Rồi giá lại giảm tiếp phá vỡ mức giá 50. Lúc đầu có thể họ vẫn hi vọng đây chỉ là mức giảm tạm thời, là một chút biến động của giá và thị trường sẽ hồi phục nhanh chóng. Thế nhưng hi vọng ấy mất đi khi xu thế giảm giá vẫn tiếp tục và không hề tỏ ra là sẽ có điều chỉnh. Những nhầ đầu tư bắt đầu tỏ ra lo lắng, có điều gì đó không ổn đã xảy ra. Cho đến khi giá giảm còn 45, mức giá hời lúc trước không còn là một quả cam ngọt nữa mà là một quả chanh.

Với ví dụ thứ nhất về xu thế tăng giá của thị trường

Khi giá tăng từ 12 đến 24 các nhà đầu tư đều cho rằng 24 là mức giá tương đối cao so với 12 (mức giá mà họ đã mua vào) do đó họ bán, khi mà sau đó giá giảm xuống một chút đến 20, họ đều tự chúc mừng cho sự sáng suốt của mình. Nhưng rồi xu thế giá lại đảo chiều, giá tăng vọt lên 30, họ sẽ không còn cảm thấy như vậy nữa. Họ ước gì mình vẫn nắm giữ cổ phiếu đó và có thể muốn mua lại cổ phiếu này, tất nhiên là không mua cao hơn 24, rõ ràng nếu giá giảm xuống còn 24 sẽ có rất nhiều nhà đầu tư lại mua vào với hi vọng kiếm lời nhiều hơn.

Những ví dụ trên đây phản ánh một cách chung nhất tâm lý của những nhà đầu tư trên thị trường và tác động của họ tới việc hình thành cũng như sự chuyển vai trò của mức kháng cự và hỗ trợ. Qua đó ta cũng nhận thấy rằng tại một mức giá kháng cự hay hỗ trợ, nếu giá dao động quanh nó càng lâu thì vai trò và sức mạnh của nó càng lớn và một xu thế giá phải thực sự mạnh mới có thể phá vỡ hay vượt qua được nó. Một mức kháng cự hay hỗ trợ được duy trì càng lâu thì những biến động có khả năng vượt qua nó càng có ý nghĩa và có thể được coi là những dấu hiệu cho những biến động lớn của thị trường.

Thêm một nhận xét nữa là khối lượng giao dịch cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong xác định các mức kháng cự và hỗ trợ. Nếu mức kháng cự hay hỗ trợ hình thành mà không có dấu hiệu gì về sự thay đổi trong khối lượng giao dịch thì mức độ tin cậy cũng như độ bền vững của chúng là không cao. Trái lại nếu một mức hỗ trợ chẳng hạn được hình thành với khối lượng giao dịch rất lớn, điều này có nghĩa là tại đó nhu cầu giao dịch là rất lớn, rõ ràng mức độ phản ánh cũng như ý nghĩa của nó là cao và quan trọng hơn nhiều.

Cản và cổ phiếu chia tách

Chia tách đã trở thành chuyện thường ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh các vấn đề “linh tinh” mà báo chí đã nêu, chia tách còn làm cho dân phân tích kỹ thuật nghiệp dư khá lúng túng bởi nó đảo lộn hết các loại đồ thị, các loại chỉ số mà người ta đang theo dõi bấy lâu nay.

Một số website cung cấp đồ thị đã được điều chỉnh sau chia tách, nhiều web khác thì không. Ngay cả các website cung cấp đồ thị sau chia tách, cũng có mã được điều chỉnh, mã không.

Có 2 vấn đề cần quan tâm. Một là, nếu ta theo dõi một cổ phiếu nào đó đã lâu, các mức giá, ngưỡng cản trước đây có thể đã hằn quá sâu vào trí nhớ khiến ta đôi lúc bị hiện tại đánh lừa. Thí dụ, ta có thể có cảm giác sai lầm là giá hiện tại đang “quá rẻ”, hay giá đang tiến tới một ngưỡng cản “quan trọng” trong khi trên thực tế không phải vậy. Hai là, với những cổ phiếu mà ta mới tiếp cận lần đầu, việc xem một đồ thị không điều chỉnh sau chia tách có thể làm ta “loạn chiêu”, dẫn đến những nhận định chẳng giống ai.

Hay nhất là sử dụng các website có cung cấp đồ thị điều chỉnh. Đây chưa hẳn là phương án tối ưu bởi đồ thị điều chỉnh sẽ làm ta mất đi cái “feel” về giá của cổ phiếu trong quá khứ. Nếu không thể kiếm một đồ thị như vậy, chỉ còn cách quy giá hiện tại về giá cũ, tức là giá mà ta đã quen. Nếu bạn chưa nghiên cứu cổ phiếu này bao giờ, tốt nhất là xem lại lịch sử của nó để tự “quy đổi” nếu nó đã từng chia tách.

Kinh nghiệm là bỏ qua các mã vừa chia tách, đợi khoảng vài tháng cho đồ thị và các loại indicators ngắn hạn của nó trở lại bình thường rồi mới trade. Trên sàn thiếu gì cơ hội đâu.

Một việc nữa nên lưu ý là khối lượng giao dịch. Một cổ phiếu từ chỗ “hiếm” sẽ trở thành “ê hề” sau vài lần chia tách. Việc tính toán khối lượng khi cổ đó vượt cản, pull-back hay phân phối, vì vậy, cần có sự điều chỉnh phù hợp. Cái này nói để lưu ý thôi, không đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối.

Vẽ đường hỗ trợ hay kháng cự là việc làm đầy tính chủ quan

Nếu là vẽ các đường ngang, thật sự không có cách nào khắc phục được tính chủ quan trong nhận định của từng người. Có người thấy phải dịch lên 1-2 giá mới đúng, có người lại cho rằng phải dịch xuống 1-2 giá mới chuẩn.

Có 3 cách có thể giúp ta giảm bớt chuyện cãi nhau. Một là, hãy cố gắng kẻ đường hỗ trợ (hay kháng cự) ngang sao cho nó đi qua càng nhiều mức giá đóng cửa càng tốt bởi với nhiều chuyên gia phân tích kỹ thuật, giá đóng cửa là giá quan trọng nhất trong ngày. Hai là, xem thêm đồ thị tuần. Nếu đồ thị ngày và đồ thị tuần cho cùng một kết quả (một đường ngang) thì có thể yên tâm sử dụng đường ngang đó. Cuối cùng (và cũng là đơn giản nhất), hãy coi ngưỡng cản (hỗ trợ / kháng cự) là một khoảng giá thay vì một mức giá. Nó sẽ giúp ta đỡ cãi nhau.

Cách nào thì cách, cần bảo đảm sự nhất quán trong phương pháp kẻ. Một chiếc xe có tay lái hơi lệch một chút mà đi quen thì vẫn hay hơn là mỗi ngày đi một kiểu xe khác nhau.

Tầm quan trọng của các con số làm tròn với tư cách là ngưỡng kháng cự và hỗ trợ

Ở đây có xu hướng sử dụng các số làm tròn để ngăn chặn việc tăng hoặc giảm giá. Các nhà giao dịch có khuynh hướng xem những số làm tròn như 10, 20, 25, 50, 75, 100 (và những bội số của 1000) là mục tiêu giá và dựa vào đó để hành động. Chính vì vậy mà những số làm tròn này thường sẽ đóng vai trò như những ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự mang tính tâm lý. Một nhà giao dịch có thể sử dụng thông tin này để bắt đầu kiếm lời khi đạt được con số làm tròn giá quan trọng.

Thị trường vàng là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này. Năm 1982, đáy của thị trường giá xuống nằm tại mức $300. Sau đó, trong quý một của năm 1983, thị trường lại hồi phục lên trên mức $500 trước khi rớt xuống ngưỡng $400. Một đạt hồi phục giá vàng vào năm 1987 đã dừng tại mức $500. Từ năm 1990 đến 1997, mọi nỗ lực phá vỡ ngưỡng $400 của vàng luôn thất bại. Chỉ số trung bình Dow Jones Industrial cho thấy thị trường có xu hướng dừng tại những mức bội số của 1000.

Một ứng dụng của nguyên tắc này trong giao dịch là tránh đặt lệnh tại những mức số làm tròn hiển nhiên này. Ví dụ, nếu nhà giao dịch có đặt lệnh mua khi giá rớt mạnh (buy on dip), việc đặt lệnh giới hạn ngay trên số làm tròn sẽ đóng vai trò quan trọng. Vì những người khác đang cố mua vào tại những mức số làm tròn nên thị trường có thể sẽ không bao giờ đạt tới được điểm đó. Nhà giao dịch muốn bán ra khi có một đợt hồi phục nên đặt lệnh giới hạn ngay dưới con số làm tròn. Hành động ngược lại sẽ là khôn ngoan nếu đặt một lệnh tự động cắt lỗ tại những vị thế hiện tại. Thông thường, nên tránh đặt lệnh tự động cắt lỗ tại những mức số làm tròn.

Nói cách khác, lệnh tự động cắt lỗ đối với các vị thế mua nên được đặt dưới những con số làm tròn và ngược lại, đối với các vị thế bán, lệnh tự động cắt lỗ nên được đặt bên trên. Xu hướng thị trường với việc xem trọng những số làm tròn, đặc biệt là những con số đã được đề cập trước đó chính là một trong những đặc điểm khác thường được chứng minh là hữu ích nhất trong giao dịch và được những nhà giao dịch kỹ thuật thị trường ghi nhớ.

Tóm lại những điểm quan trọng:

Thứ nhất, cản và pullback không phải là thứ chắc chắn sẽ xảy ra. Ta chỉ nên xem chúng là những “khả năng” có xác suất xảy ra cao. Tuyệt đối không được “tin chắc” vào chúng bởi thứ gì mà ta thấy được thì hàng nghìn, hàng vạn người khác cũng thấy được. Phải đề phòng chuyện “tương kế tựu kế”, “chim sẻ – bọ ngựa – ve sầu”.

Thứ hai, cản sinh ra là để bị phá, như cứ điểm sinh ra là để bị chiếm trong chiến tranh. Cách chiếm, thời gian chiếm, kế chiếm v..v, vì vậy, có thể cho ta thấy rất nhiều điều. Hãy theo dõi các ngưỡng cản và phát hiện những điều bất thường, thí dụ như đáng lẽ phải pullback mà lại không pullback, đáng lẽ phải có KLGD lớn mà lại không thấy KLGD lớn hoặc KLGD lớn xuất hiện trước khi vượt cản chứ không phải sau khi vượt cản v..v.

Thứ ba, cản và pullback là công cụ giúp ta bình tĩnh trước thị trường chứ không phải chất kích thích làm ta tham lam. Đừng tìm hiểu về cản để chủ động biến mình thành counter-trend trader, lao vào tại bắt tại “cản dưới” rồi bán tại “‘cản trên”. Có lúc trúng, nhiều lúc sẽ trật. Nên kiên nhẫn và nâng mức độ chú ý lên tối đa tại các ngưỡng cản. Cứ để cho 2 bên đánh nhau, bên nào thắng thì ta theo. Pullback thành công là một trong các indicator cho thấy bên nào thắng.

Nhìn chung, không nên mua một CP đang trong thời kỳ tích lũy. Nó đã tích lũy thì sẽ đến lúc nó phá cản. Em nghĩ chỉ nên theo dõi nó, đừng mua nó bởi có biết nó sẽ phá cản theo hướng nào đâu mà mua.

Thứ tư, cần xác định rõ ta đang trade trong time-frame nào? Nếu là phe phẩy trong phiên, cách nhìn cản phải khác đi một chút so với lướt sóng T+ hoặc buy and hold vài tuần.

Thứ năm, cản không chỉ là các đường kẻ ngang. Ngoài các đường kẻ ngang, còn một số đường khác có thể dùng để tính toán ngưỡng cản, chẳng hạn như đường trend-line, hai biên của dải Bollinger, các đường SMA 20-50-200, các ngưỡng Fibonacci. Thứ nào cũng có mặt mạnh và mặt yếu của nó.

Tham khảo

  1. Edward & Magee, “Technical Analysis of Stock Trend”
  2. John J.Murphy, “Technical Analysis of the Financial Markets”.

Viết một bình luận