Th6 29 Thứ Bảy, 29 Tháng Sáu, 2013

Những giả định cơ sở của phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật là sự nghiên cứu biến động của thị trường, chủ yếu thông qua việc sử dụng các đồ thị nhằm mục đích dự đoán các xu thế biến động của giá trong tương lai.

Thuật ngữ “biến động của thị trường” ám chỉ ba yếu tố biến động chính cung cấp thông tin cho quá trình Phân tích kỹ thuật là giá, khối lượng giao dịch và số lượng hợp đồng chưa tất toán.

Có 3 giả định làm cơ sở cho việc tiếp cận Phân tích kỹ thuật:

  • Biến động thị trường phản ánh tất cả;
  • Giá vận động theo xu thế;
  • Lịch sử sẽ tự lặp lại.

Biến động thị trường phản ánh tất cả:  

Đây có thể coi là nền tảng của Phân tích kỹ thuật. Mọi lý thuyết, phân tích khác muốn được chấp nhận thì trước tiên phải hiểu và chấp nhận giả định này. Các nhà Phân tích kỹ thuật cho rằng bất cứ yếu tố nào có khả năng ảnh hưởng đến giá như tâm lý, chính trị hay các yếu tố tài chính của doanh nghiệp, tổ chức. . . đều được phản ánh rõ trong giá thị trường. Do đó có người cho rằng việc nghiên cứu biến động của giá là tất cả những gì ta cần và thực sự không thể phản đối lại ý kiến này.

Trên cơ sở nhận thức chung về việc giá phản ánh những biến động trong cung, cầu. Các nhà Phân tích kỹ thuật chỉ ra rằng khi giá tăng dù vì bất kì lý do gì thì cầu phải vượt cung và thị trường tăng giá. Chúng ta cũng đều biết và đồng ý rằng động lực chính của cung và cầu là những yếu tố kinh tế căn bản, chúng làm hình thành lên Bull Market hay Bear Market, còn đồ thị thì không tự nó làm cho thị trường dịch chuyển lên hay xuống. Đồ thị chỉ có thể phản ánh tình hình thị trường mà thôi.

Giá vận động theo xu thế:

Khái niệm về xu thế là khái niệm vô cùng quan trọng trong Phân tích kỹ thuật do đó cần hiểu kĩ về giả định này trước khi muốn tìm hiểu sâu thêm về nó. Mục đích của việc xác lập đồ thị mô tả những biến động giá trên thị trường là nhằm xác định được sớm những xu thế giá, từ đó sẽ tham gia giao dịch trên cơ sở những xu thế này. Trên thực tế những kĩ thuật ở đây đều mang tính lặp lại những xu thế giá có từ trước tức là mục đích của Phân tích kỹ thuật là nhằm xác định sự lặp lại của những dạng biến động của giá đã xuất hiện trong quá khứ để có thể tận dụng kinh nghiệm và đưa ra những quyết định phù hợp.

Từ giả định này chúng ta còn có một hệ quả là “một xu thế giá đang vận động sẽ tiếp tục theo xu thế của nó và ít khi có đảo chiều”. Hệ quả này rút ra từ định luật 1 về sự vận động của Newton, do đó nó cách phát biểu khác như sau: “một xu thế đang vận động sẽ tiếp tục theo xu thế của nó cho đến khi nó đảo chiều”. Nhìn chung tất cả những nghiên cứu nhằm tiếp cận theo các xu thế đều nhằm để đi theo những xu thế giá hiện tại cho đến khi có dấu hiệu đảo chiều.

Lịch sử sẽ tự lặp lại:

Phần lớn nội dung của Phân tích kỹ thuật và việc nghiên cứu biến động thị trường đều phải nhằm vào nghiên cứu tâm lý con người. Chẳng hạn như những mô hình giá, những mô hình này đã được xác định và chứng minh từ hơn 100 năm nay, chúng giống như những bức tranh về đồ thị biến động giá. Những bức tranh này chỉ ra tâm lý của thị trường đang là lên giá hay xuống giá. Việc áp dụng những mô hình này đã phát huy hiệu quả trong quá khứ và được giả định rằng sẽ vẫn tiếp tục có hiệu quả trong tương lai bởi chúng dựa trên phân tích nghiên cứu tâm lý con người mà tâm lý con người thì thường không thay đổi. Như thế giả định này có thể được phát biểu là: “Chìa khóa để nắm bắt tương lai nằm trong việc nghiên cứu quá khứ” hay “tương lai chỉ là sự lặp lại của quá khứ”

Viết một bình luận