Th6 12 Thứ Tư, 12 Tháng Sáu, 2013

Nhà phân tích kỹ thuật hay người sử dụng đồ thị?

Các nhà nghiên cứu phương pháp phân tích kỹ thuật được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau: nhà phân tích kỹ thuật, người sử dụng đồ thị, chuyên gia phân tích thị trường và nhà phân tích trực quan. Gần đây, tất cả những danh xưng này đều có nghĩa giống nhau. Tuy nhiên, cùng với tính chuyên môn hóa ngày càng gia tăng trong lĩnh vực này, đã đến lúc chúng ta cần phải phân biệt và xác định các thuật ngữ này một cách cẩn thận hơn. Vì trong cả thập kỷ qua, gần như tất cả các nhà phân tích kỹ thuật đều sử dụng đồ thị, nên thuật ngữ “nhà phân tích kỹ thuật” và người sử dụng đồ thị đều có nghĩa như nhau. Vậy nhưng điều này giờ đây đã không còn đúng nữa.

Những lĩnh vực phổ biến hơn của phân tích kỹ thuật đang được phân chia thành hai kiểu người thực hiện – người sử dụng đồ thị truyền thống và chuyên gia phân tích kỹ thuật thống kê. Phải thừa nhận rằng có nhiều chồng chéo ở đây và hầu hết các nhà phân tích kỹ thuật đều kết hợp cả hai lĩnh vực lại trong một mức độ nào đó. Ở tình huống của nhà phân tích kỹ thuật trong sự đối sánh với chuyên gia phân tích cơ bản hầu như tất cả họ đều rơi vào hoặc loại này hoặc loại kia.

Cho dù nhà phân tích đồ thị truyền thống có sử dụng phương pháp định lượng để hỗ trợ cho phân tích của mình hay không thì các đồ thị vẫn là công cụ làm việc chính của họ. Tất cả mọi điều khác chỉ đóng vai trò thứ yếu. Việc lập đồ thị vẫn còn một chút gì đó khá chủ quan dù rất cần thiết. Sự thành công của phương pháp này chủ yếu phụ thuộc vào kỹ năng cá nhân của từng người sử dụng đồ thị. Thuật ngữ “nghệ thuật lập đồ thị” được áp dụng cho phương pháp này bởi việc đọc đồ thị cũng được coi là một nghệ thuật.

Ngược lại, các nhà phân tích kỹ thuật thống kê hay phân tích định lượng lại thực hiện các nguyên tắc chủ quan này với việc xác định số lượng, kiểm tra và đánh giá chúng một cách lạc quan nhằm phát triển các hệ thống giao dịch tự động. Sau đó, các hệ thống, hay các mô hình giao dịch này được lập trình trên máy tính và máy tính sẽ tạo ra những tính hiệu “mua” và “bán”. Những hệ thống này được sắp xếp từ đơn giản đến rất phức tạp. Tuy nhiên, mục đích ở đây là nhằm giảm bớt hoặc loại trừ hoàn toàn yếu tố chủ quan của con người trong giao dịch, khiến cho việc nghiên cứu mang tính khoa học hơn. Các nhà phân tích kỹ thuật thống kê này có thể có hoặc không sử dụng đồ thị giá trong công việc của mình, nhưng cho đến khi nào công việc của họ còn giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu các biến động thị trường thì họ vẫn được xem như là các nhà phân tích kỹ thuật.

Ngay cả khái niệm chuyên gia kỹ thuật máy tính cũng có thể được chia nhỏ thành nhóm bao gồm những người thích sử dụng hệ thống máy móc, hay còn gọi là cách tiếp cận “hộp đen”, và nhóm những người sử dụng công nghệ máy tính để phát triển các chỉ báo kỹ thuật tốt hơn. Nhóm sau duy trì việc kiểm soát các diễn giải các chỉ báo đó cũng như quá trình ra quyết định.

Một phương pháp nữa để phân biệt sự khác nhau giữa nhà sử dụng đồ thị và nhà phân tích kỹ thuật thống kê là nhận định cho rằng tất cả các nhà sử dụng đồ thị đều là nhà phân tích kỹ thuật nhưng không phải nhà phân tích kỹ thuật nào cũng là nhà sử dụng đồ thị. Mặc dù trong cuốn sách này, những thuật ngữ trên có thể được sử dụng hoán đổi cho nhau, nhưng cũng nên nhớ rằng việc sử dụng đồ thị chỉ thể hiện một phạm vi của một chủ đề rộng lớn hơn trong phân tích kỹ thuật.

Viết một bình luận